• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

Nước mắt mèo mẹ và máy rút tiền!

NYK

YTC Developer

Tưởng rằng hai chuyện không liên quan gì với nhau. Song thực tế đã có những người nuôi mèo đối xử với những em mèo mẹ như thể máy rút tiền ATM. Không ít mèo mẹ bị người chủ đang tâm biến thành máy đẻ… tiền, bất kể sức khỏe mèo mẹ như thế nào, bất kể nước mắt mèo mẹ đau đớn tuôn rơi trong những lần sinh con và khóc xa con.
Nếu người chủ có lòng yêu thương mèo thực sự đã không đối xử với mèo mẹ như thế, nhất là những em mèo mẹ phải sinh mổ do khung xương chậu hẹp. Ai đã từng nhìn thấy cảnh mèo mẹ đau đớn trong cơn sinh mổ, cắt da xẻ thịt với hai đường mổ nơi thành bụng và tử cung thì mới biết thương yêu mèo mẹ nhiều hơn và tránh để sự việc xảy ra lần thứ hai.
Mèo mẹ đâu có khác gì người mẹ đau xé thịt xé da khi sinh con bằng phương pháp mổ. Một lần sinh mổ như thế mất máu, mất sức và biết bao lâu vết thương mới lành lặn để cơ thể trở lại khỏe mạnh như xưa. Chưa kể khi vừa đẻ mổ xong, mèo mẹ lại phải chăm con ngay. Chứng kiến cảnh mèo mẹ đẻ mổ và mỗi ngày nhìn cảnh mèo mẹ bị đàn mèo con 5 – 7 đứa tranh giành bầu vú, bấu những cái móng non nhọn sắc vào vết thương mổ còn đang hở miệng làm tóe máu tươi, chỉ có những trái tim sắt đá mới nỡ lòng để mèo mẹ đẻ thêm lần nữa.
Thực tế, có những người nuôi mèo Tây chỉ để làm máy đẻ tiền và đối xử với mèo mẹ không khác gì máy ATM. Cái ATM này bị rút vô tội vạ cho đến ngày nó cạn kiệt, cái ATM tội nghiệp cũng bị bán đứng luôn. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện trên các diễn đàn thú cưng từ Bắc chí Nam về những người chủ nuôi mèo mẹ như một cái máy ATM.
Hai câu chuyện điển hình, một nhân vật là nam sinh viên ở Sài Gòn, một nhân vật là nữ sinh viên ở Hà Nội. Cả hai giống nhau điểm chung là nuôi mèo như máy đẻ, chờ đến ngày mèo con cứng cáp thì rao bán mỗi em vài triệu. Cách các bạn kiếm tiền để trang trải những ngày tháng sinh viên bằng lao động chân chính thật đáng hoan nghênh. Song còn có nhiều công việc khác kiếm tiền chính đáng mà không đến nỗi vất vả lắm và không tận dụng thú cưng như một cái máy để làm ra tiền một cách tàn nhẫn.
Nhân vật nam sinh viên ở Sài Gòn tạm gọi là S. S hay mua mèo Tây đang tuổi sinh đẻ về cho phối giống để bán mèo con. Lúc ấy Sài Gòn đang rộ phong trào nuôi mèo Tây nên mèo Tây con bán rất có giá, mèo lai giống giữa mèo Anh Lông Dài và mèo Ba Tư cũng đã có giá 3 – 4 triệu/con mà vẫn không có mèo mà mua. Mèo Vàng, tạm gọi mèo mẹ nhà S, đã đẻ một vài lần trước khi về với S. Rủi thay về nhà người chủ như S, mẹ mèo Vàng vẫn không thoát khỏi kiếp máy đẻ, trở thành cái ATM hoạt động tích cực cho chủ kiếm tiền.
Vàng đẻ một năm 3 – 4 lần, cứ mèo con lứa trước vừa gả đi lúc đầy hai tháng tuổi là đã thấy Vàng lùm lùm một bụng chuẩn bị cho lứa con sắp tới. Trong khi mức độ an toàn cho sức khoẻ mèo mẹ là chỉ nên đẻ con hai lần trong một năm. Mà tình hình sức khỏe sinh sản của Vàng lại rất đáng thương. Mỗi lần sinh con là mỗi lần mổ, vì xương chậu của Vàng bị hẹp không giãn nở được để sinh con tự nhiên. Bán được 5 – 6 lứa mèo con thì Vàng cũng kiệt quệ, xơ xác. S gả luôn Vàng về nhà khác, không biết Vàng có còn sức làm máy đẻ cho ai khác nữa hay không.
Nhân vật nữ sinh viên ở Hà Nội tạm gọi là H. Xuất hiện trên nhiều diễn đàn yêu thú cưng với tuyên ngôn yêu mèo nhất trên đời, nhà H chăm một lúc đến gần chục em mèo Tây cái. H vẫn đang là sinh viên, thế mà bỏ công chăm mèo tưởng chỉ như một thú vui, một niềm đam mê đáng trân trọng. Bao nhiêu người quý H chỉ bởi tấm lòng yêu thương mèo. Một ngày nọ, một người bạn cùng hội yêu thú cưng tình cờ biết ra sự thật: H chỉ yêu mèo như yêu… cái máy ATM mà thôi.
Mèo nhà H thay phiên nhau đẻ để H liên tục rao bán mèo con. Thậm chí, có em mèo đẻ mổ vừa xong hai tháng là lại mang đi phối giống cho đẻ tiếp. Chẳng biết H đã từng chứng kiến hay chưa cảnh banh da xẻ thịt đau đớn của mèo mẹ để cho ra đời đám mèo con mang màu sắc tiền xanh đỏ vàng, mà nhẫn tâm bắt em mèo mẹ chịu đựng đau đớn thêm lần nữa? Và rồi sẽ còn lần thứ n!
Một lần đưa em mèo mẹ tên Cam ở nhà đi đẻ mổ ở bệnh viện thú cưng, tôi đã thề với lòng không bao giờ để mèo mẹ phải đau đớn lần nữa. Cam kêu khóc vật đẻ từ 9g tối. Khung chậu của con bị hẹp, dù đã ráng sức rặn suốt đêm mà bé mèo đầu tiên chỉ lú ra được tí chỏm đầu. Vật vã cả đêm, mãi đến sáng mới gọi được bác sĩ để đem Cam đi cấp cứu, may vẫn còn kịp. Những sáu bé mèo con lần lượt được bác sĩ lấy ra từ tử cung bị xoắn của Cam.
Ca mổ kéo dài đến hơn một tiếng đồng hồ trong khi thuốc gây mê chỉ tác động trong vòng một tiếng. Cam tỉnh khỏi cơn mê thuốc trong khi bác sĩ vẫn đang khâu dở vết mổ tử cung nhoè nhoẹt máu của Cam. Và còn cả một vết mổ dài ngoài thành bụng được khâu sống khi Cam đã tỉnh thuốc mê. Nhìn Cam đau đớn giẫy giụa chịu từng mũi kim khâu khép lại từng chút một trên vết mổ dài cả chục phân, tôi như thấm sâu nỗi đau cùng con bé trong từng tế bào nhỏ trên thân thể mình…
Sáu thiên thần nhỏ xinh nằm ngủ ngoan ngay cạnh mẹ Cam khi đó vẫn đang được bác sĩ khâu những mũi kim cuối cùng trên vết mổ. Chợt nhiên trong cơn đau tận cùng, Cam ứa ra giọt lệ trong vắt cứ đọng mãi nơi khoé mắt không thôi. Chẳng biết giọt nước mắt trong như ngọc ấy Cam khóc cho nỗi đớn đau xác thịt hay cho niềm hạnh phúc làm mẹ?
Chỉ mong những ai nuôi mèo với mục đích nhân giống đừng quá nhẫn tâm trước nỗi đau thể xác và những giọt nước mắt xót xa của mèo mẹ. Nếu còn có tình yêu thương sâu nặng với loài mèo đủ để xem chúng như những đứa con ruột thịt trong nhà, xin đừng đối xử lạnh lùng với mèo mẹ chỉ như một chiếc máy ATM!

***BÀI HÂY NÊN POST NẾU TRÙNG THÌ MOD DEL DÙM :)!
Nguồn: KHÁNH NGỌC (Methucung.com)
 

wangchang

Member
Đê ma ma, lái mèo mình vẫn còn có cái nhìn thiện cảm. Chứ mấy ông bà xem mèo như cái máy đẻ thì mình bức xúc éo chịu nổi :lac_dau: :lac_dau: :lac_dau: :lac_dau: :lac_dau: :lac_dau:
 

Mew Mew Chikorita Moon

T.Viên Năng Động
Cho 1 like :good_job: nói rất đúng với thực tế :gongxi-1: mèo còn biết khóc huống chi là người, còn con người chỉ vì cái lợi trước mắt mà thôi, không quan tâm đến nó phải vất vả đau khổ như thế nào :lac_dau: :lac_dau: :lac_dau:
 
Top