http://www.svcsaigon.com/index.php?bonsai=DetailView&cid=597&catid=20&PHPSESSID=d28a93d1e432ef1523d3ba7cfd9c37ba 1. Bệnh Caré (Sài sốt) Bệnh Caré phổ biến và có thể gây chết chó con từ 2 - 6 tháng tuổi. Chó trưởng thành trên một năm tuổi ít thấy mắc bệnh. Một số chó sau khi điều trị khỏi bệnh thường có di chứng thần kinh như: đi choải chân, run rẩy khi đi lại...
Triệu chứng:
- Hầu hết chó mắc bệnh ở thể cấp tính với các triệu chứng điển hình: sốt cao từ 39- 42oC, các niêm mạc đều bị viêm, mắt chó bị sưng húp, chảy nước mắt và có ghèn liên tục.
- Chó thở khó khăn, khò khè và rên rỉ do viêm phổi cấp có mủ.
- Chó bị viêm niêm mạc đường tiêu hoá, thể hiện nôn mửa liên tục, tiêu chảy có máu và niêm mạc nhầy. Hội chứng viêm ruột làm cho chó kiệt sức và chết nhanh vì mất nước, mất máu, chất điện giải.
- Hội chứng thần kinh cũng thấy xảy ra phổ biến ở chó bệnh như run rẩy, đi lại xiêu vẹo, lên cơn co giật, mắt trợn ngược, chảy nước dãi. Trên mặt, da bụng, bẹn, nách của chó thường có những nốt mụn mủ như hạt đậu vỡ ra và khô đóng vẩy.
Phòng bệnh:
- Tiêm phòng cho chó lúc 3 tháng tuổi bằng vaccine phòng bệnh Carê (VN) hoặc dùng vaccin DHPPi + L (Hà lan): phòng cùng lúc 5 bệnh Carê, Viêm gan truyền nhiễm, Parvovirus, Phó cúm, Lepto.
- Thực hiện vệ sinh thú y và chăm sóc, nuôi dưỡng tốt giúp chó có sức đề kháng chống lại bệnh. Chuồng trại và môi trường thả chó phải làm vệ sinh định kỳ, hạn chế môi giới truyền bệnh và chống ô nhiễm.
Điều trị:
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi chó bệnh thì phải cách ly để tránh lây nhiễm sang chó khỏe khác và đưa chó đến các phòng mạch Thú y để được hướng dẫn điều trị.
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn kế phát như: Vime-Tobra, Amoxi 15 % LA, Vimexyson C.O.D, Spectylo, Lincocin 10%.... Kết hợp với các thuốc bồi dưỡng, trợ sức sau: vitamin C, B. complex fortified , Paravet, Atropin, Na.campho,...
Do chó bị tiêu chảy nhiều, nên truyền dịch Glucose 5% bù đắp nước và chất điện giải để chó mau hồi phục.
2. Bệnh dại
Triệu chứng:
- Thể điên
Sau thời gian ủ bệnh chó lên cơn điên dữ dội: mắt đỏ ngầu, chảy dãi như bọt xà bông quanh mép, không còn cảm giác, lao vào mọi người kể cả chủ nó và các con vật khác để cắn xé. Thời kỳ này chó bỏ ăn hoặc nhai nuốt tất cả vật gì mà nó gặp trên đường đi. Chó sủa có tiếng khàn khàn hoặc rú lên từng hồi ghê rợn khác hẳn với trạng thái bình thường. Vài ngày sau đó chó bỏ nhà đi hoặc rúc vào bờ bụi, xó tối và chết trong trạng thái gầy rạc, kiệt sức, bại liệt vơí những vết thương rớm máu trên thân thể do tự cắn xé. Bệnh tiến triển trong vòng 2- 5 ngày chó suy kiệt rồi chết.
- Thể bại liệt
Đầu tiên chó thể hiện các trạng thái bất thường: ngơ ngác, bồn chồn, đi lại, ăn ít hoặc bỏ ăn. Sau đó chó lặng lẽ chui vào một xó tối nằm im, do đó gọi là thể dại im lặng hoặc thể dại câm, khác hẳn với thể điên cuồng. Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm, không thể há mồm ra được nhưng nước dãi vẫn chảy quanh mép như bọt xà phòng. Sau khi phát bệnh từ 3 - 5 ngày, chó chết trong trạng thái bại liệt hoàn toàn.
Chó bị mắc bệnh dại: buồn rầu, bị bại liệt một phần hoặc nửa người, hàm trễ, lưỡi thè, chỉ gầm gừ trong họng, không sủa được. Ảnh:
www.ytecongcong.com
Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại và mấy ngày đầu chó có thể cắn chủ nhà khi đến chăm sóc nó. Thể bại liệt chiếm 20 - 30% số chó bị bệnh dại.
Phòng bệnh:
Bệnh dại rất nguy hiểm vì hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Ở nước ta việc phòng chống bệnh dại đã đưa thành chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại. Trong đó qui định tất cả chó, mèo nuôi đều phải được tiêm phòng dại và lập lại định kỳ hằng năm.
Điều trị:
Nhằm tránh sự lây truyền bệnh dại, khi bị chó mèo cắn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông, sau đó sát trùng lại bằng cồn. Không dùng các phương pháp phòng bệnh dân gian như lấy nọc, uống thuốc nam...
- Đến ngay trạm Vệ sinh phòng dịch gần nhất tiêm vaccin phòng chống bệnh dại. Trường hợp vết cắn gần vùng đầu hoặc vết thương quá sâu phải tiêm phòng bằng kháng huyết thanh dại trước khi tiêm phòng bằng vaccine. Trường hợp cần thiết có thể tiêm thêm vaccine phòng uốn ván theo chỉ định của cơ quan y tế.
- Chó, mèo cắn người phải được đem đến cơ quan thú y để chẩn đoán theo dõi xem có bị dại hay không. Tuyệt đối không được giết chết chó, mèo cắn người- khi chưa xác định là có mắc bệnh dại hay không.
3. Bệnh viêm dạ dày - ruột cấp tính
Nguyên nhân:
Bệnh phổ biến xảy ra quanh năm thường thấy nhiều vào mùa hè khi thời tiết nóng và mưa ẩm ướt. Có 3 nguyên nhân có thể gây ra viêm dạ dày và ruột cấp ở chó:
- Do giun móc (Ancylostoma caninum): giun móc có những móc nhọn bằng kitin cắm vào vách ruột non ở phần tá tràng, không tràng để hút máu, tạo ra những tổn thương và xuất huyết trong tổ chức niêm mạc ruột. Vi khuẩn có sẵn trong niêm mạc ruột sẽ xâm nhập vào những chỗ bị tổn thương gây thành bệnh viêm ruột cấp.
- Do virus: Virus Parvo, Virus Carê khi xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của chó phát triển nhanh chóng, phá hoại niêm mạc dạ dày và ruột.
- Do vi khuẩn : Chó ăn uống phải thức ăn và nước uống có chứa vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn yếm khí (Clostridium), vi khuẩn E.Coli... Những vi khuẩn này sẽ phát triển trong niêm mạc đường tiêu hóa gây ra bệnh viêm dạ dày và ruột cấp.
Triệu chứng:
- Vài ngày đầu chó ít ăn hoặc bỏ ăn, sốt 39,5 - 40oC, có kèm theo các cơn run rẩy. Sau đó, chó nôn mửa liên tục đồng thời tiêu chảy nặng, phân lúc đầu táo bón sau loãng có màu xám vàng, có lẫn niêm mạc dạ dày và ruột lầy nhầy, có mùi rất tanh.
- Do nôn mửa và tiêu chảy liên tục, chó mất nước thể hiệûn: mắt trũng, bụng thót, da nhăn nheo. Khi bị mất nước chó không được điều trị kịp thời sẽ chết sau một vài ngày.
- Thời kỳ cuối của bệnh, chó thường chảy máu ruột nên phân có màu nâu sẫm hoặc lờ đờ như máu cá. Trước khi chết thân nhiệt chó thường hạ thấp . Thời kỳ này chó không đi được, kiệt sức, nằm một chỗ và chết.
- Bệnh viêm dạ dày và ruột cấp nếu không chữa trị kịp thời, chăm sóc chu đáo thì chó sẽ chết 90 - 100% trong thời gian 2 - 4 ngày. Một số chó qua khỏi nhưng chuyển thành thể viêm dạ dày ruột mãn tính. Thể bệnh này làm chó bị gầy còm, thiếu máu do kém ăn, lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy.
Phòng bệnh:
- Cho chó ăn thức ăn nấu chín, không cho ăn thịt sống và trứng sống, vì trong thịt sống và trứng sống dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa như: vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn yếm khí, trực khuẩn E.Coli. Không cho chó ăn thức ăn ôi thối, cho uống nước sạch không nhiễm bẩn.
- Thực hiện tẩy giun sán định kỳ cho chó bằng Vimectin cứ 3- 4 tháng tẩy 1 lần để tránh gây tác hại cơ giớidẫn đến viêm ruột cấp.
- Định kỳ tiêm phòng vaccine chống bệnh Carê và Parvovirus.
Điều trị:
Nguyên tắc chung là chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh từ đó điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng, trợ sức và trợ tim mạch.Điều trị bằng một trong các loại kháng sinh sau:
- Spectylo : liều 1ml/ 3 - 5 kg thể trọng.
- Tylenro 5 + 5 : liều 1ml/10kg thể trọng/ngày.
Kết hợp với điều trị triệu chứng và bồi dưỡng bằng các loại như:
- Vime C : liều 500mg/con/ngày.
- Vitamin B6 : liều 1ml/con/ngày.
- Vitaral : liều 1ml/10kgP
- Paravet : liều 1ml/4 kgP.
- Atropin : liều 2ml/10 -15 kgP
- Na.campho : liều 2 - 4 ml/con/ngày.
- Truyền glucose 5% để cung cấp nước và chất điện giải giúp chó mau hồi phục.
Chú ý:
Đối với nguyên nhân gây bệnh là giun móc thì sau khi chó hồi phục trở lại bình thường nên dùng thuốc tẩy giun móc như:
- Levavet liều 0,5 ml/10 kgP, sau 2 -3 tháng tiêm lập lại .
- Vimectin for dog 0,1% liều 0,2ml/ kg P tiêm bắp hay tiêm dưới da.
Nguồn :
http://www.svcsaigon.com