• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

Phòng bệnh bằng VACCIN

Trong những tháng đầu đời, chó con rất nhạy cảm với nhiều bệnh truyền nhiễm như bệnh do parvovirus (bệnh parvo), bệnh carré, bệnh viêm gan truyền nhiễm. Ở chó con, các bệnh này gây ra những thương tổn trầm trọng hơn so với chó trưởng thành. Khi nuôi chó, việc phòng bệnh bằng vaccin nhất thiết phải có trước khi cai sữa hoặc trước khi bán, đặc biệt khi chó nuôi trong môi trường truyền nhiễm cao.

Trên quan điểm phòng bệnh, vaccin chỉ là một trong rất nhiều phương tiện khác nhau, sức khỏe của chó còn phụ thuộc vào việc cho ăn, vào chất lượng giống nòi, vào kỹ thuật của người nuôi, vào hệ vi sinh vật trong môi trường nuôi (kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật cách ly con bệnh…). Tuy nhiên, sự phòng bệnh bằng vaccin ở chó nhỏ cũng gặp không ít khó khăn ngay cả thất bại. Giai đoạn từ khi sanh cho đến 3 tháng tuổi là giai đoạn rất nhạy cảm ở chó con về mặt đáp ứng miễn dịch vì các lý do:
1/ Hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh.
2/ Sự miễn dịch chủ yếu dựa vào kháng thể từ chó mẹ truyền sang.


Hệ thống miễn dịch ở chó con từ 0 đến 3 tháng tuổi:
Trong suốt đời sống phôi thai, hiếm khi mầm bệnh vượt qua được hàng rào nhau thai để gây bệnh, do đo rất ít khi chó con có cơ hội tiếp xúc với mầm bệnh để tạo phản ứng miễn dịch trong bào thai. Khi được sanh ra, chó con cũng có khả năng miễn dịch thụ động (từ mẹ truyền sang khi còn trong bào thai), nhưng tốc độ đáp ứng vẫn còn rất chậm so với chó trưởng thành. Sự đáp ứng miễn dịch xảy ra tốt nhất vào khoảng 6 tuần tuổi. Vào độ tuổi này, khả năng đáp ứng miễn dịch được xem như bằng lúc trưởng thành.

Tùy theo tác nhân truyền nhiễm và đường truyền nhiễm mà có rất nhiều cơ chế miễn dịch khác nhau xảy ra, nhưng đóng vai trò trung tâm sẽ là các kháng thể của cơ thể và các tế bào miễn dịch.

Khi mầm bệnh xuất hiện lần đầu tiên trong cơ thể, sự đáp ứng miễn dịch đầu tiên sẽ xảy ra sau vài ngày tiếp xúc với mầm bệnh. Sự đáp ứng lần đầu này lại mất đi rất nhanh chóng (chỉ vài tuần). Thế nhưng khi mầm bệnh này lại xuất hiện lần thứ hai thì sự đáp ứng sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và lâu hơn. Đó là lý do để giải thích tại sao có một số vaccin, nhằm làm cho hiệu quả đạt đến mức tối đa và lâu dài, khi chích lần đầu cho chó con thì chích gồm hai mũi cách nhau một tháng. Hiệu quả tối đa của đợt vaccin đầu tiên sẽ được vài ngày sau khi tiêm mũi thứ hai. Sự đáp ứng nhanh hay chậm là tùy vào chủng vaccin sử dụng, đường tiêm và các yếu tố cá nhân trên chó (độ tuổi; sức khỏe…). Không có quy luật chung về số lần tiêm trong đợt tiêm vaccin đầu tiên, tất cả đều phải dựa vào xét nghiệm thực tế. Do vậy, lịch tiêm phòng vaccin nói chung sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất và được quy định trong phần “chỉ định” của lô thuốc.

Vì lý do là hiếm có sự xâm nhập của mầm bệnh qua màng nhau và sự non yếu của hệ thống miễn dịch, ở chó con trong những tuần đầu tiên mang một hệ miễn dịch không phải do chính cơ thể sản xuất ra mà được truyền từ mẹ gọi là kháng thể. Lượng kháng thể được truyền rất ít qua màng nhau thai, chủ yếu là nhờ vào sữa đầu (lượng sữa đầu tiên tiết ra sau khi sanh trong vòng 48 giờ). Sữa đầu được tích tụ trong bầu vú một vài tuần trước khi chó mẹ lâm bồn và chứa một lượng khổng lồ kháng thể, lượng kháng thể chứa trong sữa đầu tương đương với một nửa tổng lượng kháng thể mà chó mẹ tiết ra khi bị nhiễm trùng (theo S.Bastian và V.Gonon, 1996). Đặc biệt lưu ý là có một số thành phần quan trọng của kháng thể (IgG) chỉ có thể được hấp thụ qua ruột chó con chỉ trong vài giờ sau khi sinh.

Những nguyên nhân làm cho việc tiêm Vaccin không hiệu quả

1/ Tiêm vaccin quá sớm (khi cơ thể chó con còn kháng thể từ chó mẹ). Sự hiện diện của kháng thể từ mẹ truyền sang gây ức chế sự đáp ứng miễn dịch. Mục đích của việc đưa vaccin vào là kích thích hệ miễn dịch của chó con, tuy nhiên nếu có sự hiện diện của kháng thể từ mẹ truyền sang trong huyết thanh thì lượng vaccin sẽ bị trung hòa dẫn đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm.

2/ Tiêm vaccin đồng thời tiêm huyết thanh. Cũng cùng một lý do như trên, cung cấp huyết thanh cũng là đưa một lượng kháng thể từ bên ngoài vào cơ thể chó con và lượng kháng thể này sẽ trung hòa vaccin. Thông thường, thời gian lưu giữ của kháng thể khi tiêm huyết thanh là 2 tuần đến 3 tuần.

3/ Tình trạng sức khỏe tổng quan của chó con. Chúng ta khó có thể kể hết tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của chó con, mà chỉ có thể kể ở đây như: nhiễm trùng; nhiễm ký sinh trùng; dinh dưỡng kém… Cũng có một số nghiêm cứu ghi nhận việc đáp ứng miễn dịch không tốt là do bẩm sinh, tuy nhiên những trường hợp đó rất hiếm và chuẩn đoán rất khó khăn.

4/ Sử dụng sai vaccin. Việc dự trữ vaccin không đúng cách cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Các vaccin chứa chủ yếu là các chất đạm và những vi sinh vật ở dạng dung dịch, do vậy rất nhạy cảm với nhiệt độ (quá nóng hoặc quá lạnh).

Những tai nạn khi dùng vaccin.

Phản ứng sốc ngay lập tức sau khi tiêm vaccin là một hiện tượng khá phổ biến. Biểu hiện là con chó yếu hẳn đi, nhịp tim đập chậm lại và thỉnh thoảng cũng có trường hợp chảy nhiều nước dãi. Người ta ghi nhận được tại bệnh xá của trung tâm nghiêm cứu thú y Pháp, tỉ lệ của tai nạn này vào khoảng 1/400 ca tiêm vaccin (chỉ là số liệu quan sát, không dùng cho thống kê hay các nghiêm cứu sâu). Các trường hợp quan sát được chủ yếu xảy ra trên các giống chó nhỏ con, Yorkshire Terrier và Caniche. Trong hầu hết các trường hợp có thể sử dụng atropine sulfate với liều 0,05 đến 0,1 mg/kg thể trọng.

Hiện tượng quá mẫn lập tức (sốc phản vệ) cũng gây ra sau khi tiêm ngừa và triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ nhạy cảm của từng cá thể, tùy thuộc vào thành phần vaccin sử dụng (vi khuẩn hay virus, thành phần bên trong hay bên ngoài tế bào). Thường sử dụng glucocorticoid can thiệp vào phản ứng miễn dịch nên hiệu quả của vaccin trong trường hợp này là không bảo đảm.

Vì vậy, trong tủ thuốc nên có dung dịch atropine sulfate và glucocorticoid để phòng trường hợp tai nạn khi tiêm vaccin. Đồng thời, nếu xảy ra tai nạn khi tiêm vaccin caần ghi lại số lô của lọ thuốc để báo về cho nhà sản xuất đề phòng trường hợp tai nạn xảy ra là do thuốc.

Chương trình vaccin

Một khi chúng ta đã xác định được tình trạng sức khỏe, các nguy cơ nhiễm trong môi trường và các vaccin hiện đang có trên thị trường, chúng ta có thể lên một chương trình vaccin cho đàn chó của chúng ta nuôi.

Tiêm vaccin cho chó mẹ

Trong tất cả các trường hợp, bắt buộc chúng ta phải tiêm vaccin cho tất cả các chó làm giống. Tốt nhất là nên tiêm vaccin 2 đến 4 tuần trước khi nhảy giống, nếu người nuôi bào đảm tất cả các chó con được bú sữa đầu đầy đủ thì chó con sẽ có được miễn dịch từ lúc mới sinh đến vài tuần. Chó mẹ được tiêm ngừa tốt cũng tiết kháng thể liên tục ở trong sữa để phòng các bệnh gây viêm dạ dày – ruột.

Tuổi của lần tiêm vaccin đầu tiên

Trên thực tế thì lượng kháng thể từ sữa đầu có thể tồn tại đến 16 tuần, do vậy khả năng thất bại khi tiêm vaccin sớm có thể xảy ra. Tuy nhiên, khả năng thất bại này có thể được giảm thiểu nếu chúng ta biết sử dụng những loại vaccin thích hợp với những kháng thể hiện có trong sữa đầu.

Ngay lúc 4 tuần tuổi, chó con sẽ thiếu một phần kháng thể truyền từ mẹ. Điều này sẽ trở nên nguy hiểm nếu chó con sống trong môi trường có nguy cơ truyền nhiễm cao. Ngược lại, hệ thống miễn dịch chó con cũng gần trưởng thành. Trong môi trường truyền nhiễm quá cao, chúng ta có thể tiêm vaccin cho tất cả các chó con (không mắc bệnh) ở độ tuổi này. Chúng ta cũng cần biết rằng các nhà sản xuất vaccin chỉ khuyến cáo nói chung là nên tiêm vaccin lúc 6 tuần tuổi. Lúc 6 tuần tuổi, hệ thống miễn dịch của chó con được xem như đã trưởng thành. Các chó con mất phần lớn các kháng thể truyền từ mẹ. Hầu hết các nhà sản xuất vaccin đều khuyến cáo mũi đầu tiên ở độ tuổi này trên tất cả các chó con.

Trong những môi trường có nguy cơ nhiễm thấp (môi trường nuôi không có tiếp xúc ở bên ngoài, với một mức độ vệ sinh cao), chúng ta có thể tiêm vaccin cho chó lúc 8 tuần tuổi. Trong trường hợp này, nếu với một vaccin thích hợp chó có thể nhận được một lượng kháng thể lớn nhất ngay lần tiêm đầu tiên, thời gian tạo ra đầy đủ kháng thể xảy ra sau một tuần.

Lần tiêm thứ hai sẽ tùy thuộc vào từng loại vaccin và được quy định bởi nhà sản xuất. Tuy nhiên, thời gian giữa hai lần tiêm không bao giờ dưới 15 ngày, nói chung trong những điều kiện bình thường thì mũi lặp lại sẽ diễn ra sau mũi đầu tiên khoảng 3 đến 4 tuần.

Tiêm vaccin sau khi mua chó

Trong phần lớn các trường hợp, chó con được mua ở khoảng 2 đến 3 tháng tuổi. Ngay khi mua về, chúng ta cần phải xác định:

- Chó con có được bảo vệ chống lại các bệnh parvo, bệnh carré và bệnh viêm gan hay chưa?

- Chó con có nhận đầy đủ các mũi tiêm cần thiết để bảo vệ trong vòng một năm hay không ?

Vaccin chống bệnh dại tuyệt đối cấm tiêm trước 03 tháng tuổi.

Các loại vaccin dù là loại nào chăng nữa cũng là các sản phẩm sinh học, thời hạn sử dụng ghi trên nhãn chỉ có giá trị nếu nó được cất giữ ở khoảng 4 - 8˚C. Tất cả các lần tiêm vaccin thì bắt buộc nhãn phải được lưu lại trên sổ tiêm ngừa cùng với ngày tiêm.

Thay lời kết luận, chúng ta nên ghi nhớ: dù cho chương trìng vaccin với những loại vaccin tốt nhất cũng không cho phép chúng ta nuôi chó trong một môi trường vệ sinh không đầy đủ, chế độ dinh dưỡng không phù hợp hay môi trường có mức độ ký sinh trùng gây bệnh quá cao.
 
Top