• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

Nuôi mèo đúng cách thì nên biết 8 điều quan trọng này

Mèo là một trong những loài thú cưng rất được mọi người yêu thích. Thế nhưng khi nuôi mèo, có những điều cơ bản cần lưu ý nhưng không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu xem những điều đó là gì trong bài viết dưới đây.

Chọn mèo nuôi

Khi chọn mèo nuôi, bạn cần chú ý đến rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc đầu tiên bạn cần quan tâm là lựa chọn giống mèo nào để nhận nuôi. Mỗi giống mèo có một số những đặc điểm khác nhau về ngoại hình, tập tính, sức khỏe…nên việc tìm hiểu trước về giống mèo nuôi và đặc điểm của chúng sẽ giúp bạn chọn lựa được giống mèo phù hợp. Chọn giống mèo nuôi là điều rất quan trọng vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có đủ thời gian, thói quen để chăm sóc mèo hay không, hoặc bạn có bị dị ứng với mèo hay không (nhất là những loại mèo lông dài, hay rụng).


Nên chọn giống mèo nuôi phù hợp để chăm sóc tốt nhất

Sau khi đã chọn được giống mèo mình muốn nuôi, bạn hãy chọn lựa độ tuổi của chú mèo. Mèo quá nhỏ sẽ khó chăm sóc, mèo quá lớn sẽ khó làm quen với chủ mới. Độ tuổi lý tưởng nhất để nhận nuôi mèo là khoảng 3 đến 6 tháng, vì lúc này mèo đã cứng cáp, có thể ăn thức ăn khô và khá dễ chăm sóc, huấn luyện. Không nên nhận nuôi mèo trên 2 tuổi. Bạn cũng nên lựa chọn giới tính của mèo khi nuôi, vì một số lý do chăm sóc. Nếu không muốn nuôi mèo con, bạn nên chọn mua mèo đực, còn nếu muốn mèo sinh thêm nhiều mèo con nữa thì hãy chọn mua mèo cái nhé. Cách phân biệt mèo đực hay mèo cái cũng rất đơn giản, hãy lật ngửa chú mèo lên và quan sát phần gần hậu môn, nếu có 3 chấm đen tính cả hậu môn thì đó là mèo đực, còn nếu chỉ có 2 chấm đen thì đó là mèo cái.


Bạn cũng nên chọn tuổi mèo và giới tính mèo

Cuối cùng, bạn cần quan tâm đến sức khỏe của chú mèo bạn nhận nuôi. Để chọn được một chú mèo khỏe mạnh, hãy quan sát thể trạng bên ngoài của chúng. Những chú mèo có dáng đi nhanh nhẹn, bộ lông mượt, mắt sáng, xung quanh mắt và miệng không có rỉ bẩn là những chú mèo khỏe mạnh. Bạn có thể kiểm tra thêm bằng cách dùng tay nhấc phần da sau gáy của mèo lên, nếu chân và đuôi chúng gập cong về phía bụng chứng tỏ sức khỏe và phản xạ của mèo rất tốt, bạn có thể nhận nuôi những chú mèo này.


Lựa chọn những chú mèo khỏe mạnh để dễ nuôi và chăm sóc


Dạy mèo cách đi vệ sinh đúng chỗ

Một trong những việc quan trọng khi mới nhận nuôi mèo là huấn luyện mèo cách đi vệ sinh đúng chỗ. Mèo thường có thói quen đi vệ sinh lung tung, nhất là đi vệ sinh ở những chỗ khuất khiến nhà bạn rất bẩn nên ngay từ khi mang mèo về nuôi, bạn hãy dạy chúng cách đi vệ sinh. Bạn hãy dùng hộp, chậu nhựa có thành thấp, cho đầy cát hoặc xỉ than vào đó để làm chỗ vệ sinh cho mèo. Ban đầu, bạn hãy để hộp này ngay cạnh chỗ buộc mèo để chúng đi vệ sinh vào đó. Sau khi đã thả mèo ra, hãy để ý xem chúng đi vệ sinh có đúng chỗ không. Nếu không, hãy phạt chúng để chúng nhớ. Bạn cần thay cát, xỉ than thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ vì nếu bẩn, mèo sẽ không đi vệ sinh vào đó và cũng rất ảnh hưởng đến không gian nhà bạn.


Làm bồn cát và tập cho mèo thói quen đi vệ sinh đúng chỗ

Thức ăn của mèo

Nếu nhận nuôi mèo đã cứng cáp, bạn có thể cho chúng ăn thức ăn khô và nhiều thứ khác. Nếu nuôi mèo theo kiểu truyền thống của người Việt, bạn có thể cho chúng ăn thịt, cá với một chút cơm. Lưu ý là không nên cho mèo ăn quá nhiều tinh bột vì điều này có thể khiến mèo bị béo phì. Bên cạnh đó, bạn có thể cho mèo uống thêm sữa và nhớ cho chúng uống nước hàng ngày. Nếu muốn rảnh rang và sạch sẽ hơn, bạn có thể sử dụng các loại hạt dinh dưỡng cho mèo. Tuy nhiên loại này sẽ khá tốn kém vì giá của mỗi túi thức ăn cho mèo cũng khá cao. Có một điểm lưu ý cho bạn là không nên cho mèo ăn quá no và quá mặn, vì điều này có thể gây sỏi thận hoặc sỏi ruột cho mèo bạn nhé!

Phát hiện mèo động dục

Khi mèo đực khoảng 8 tháng tuổi, sẽ bắt đầu động dục. Nếu bạn nuôi mèo đực và muốn mèo khỏe, không “bỏ nhà theo gái” ra đi thì bạn nên triệt sản chúng bằng mọi cách. Mèo đực thường có xu hướng đi theo mèo cái nên nếu đang trong thời kì động dục và chưa được triệt sản, rất có thể chúng sẽ bỏ đi nên bạn cần lưu ý đến điều này.


Khoảng 6 đến 8 tháng, mèo sẽ bắt đầu động dục

Mèo cái từ 6 tháng tuổi cũng bắt đầu động dục. Biểu hiện rõ ràng nhất của mèo cái động dục là chúng sẽ phát ra tiếng gọi đực, nghe như tiếng trẻ con khóc, rõ ràng nhất vào ban đêm. Mèo cái thường động dục trong khoảng 3 đến 4 ngày, sẽ chịu đực vào ngày thứ 4, lúc này bạn nên cho chúng phối với mèo đực. Bạn nên để mèo cái phối với càng nhiều mèo đực càng tốt, vì như vậy mèo con sinh ra sẽ có màu lông đa dạng hơn và đồng thời cũng có sức chống chịu tốt hơn. Chỉ có một lưu ý nhỏ cho bạn là nên chọn những con đực khỏe mạnh, thuần chủng nhưng đừng quá hung dữ để phối với mèo cái của bạn. Như vậy mèo con sinh ra vừa khỏe mạnh mà mèo cái lại không phải chịu nhiều vất vả trong quá trình phối giống.

Chăm sóc mèo đẻ

Sau khi mèo cái phối giống và mang thai, bạn cần thay đổi việc chăm sóc mèo đẻ sao cho phù hợp. Mèo cái thường mang bầu trong khoảng từ 59 đến 62 ngày, trong quá trình này nếu muốn mèo con khỏe bạn nên đáp ứng như cầu dinh dưỡng đầy đủ cho mèo mẹ, bổ sung thêm protein và canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày của mèo mẹ để cung cấp cho mèo con. Khi chuẩn bị sinh, mèo mẹ sẽ có một số dấu hiệu mà bạn dễ dàng nhận biết như mèo mẹ sục tìm ổ đẻ, bụng mèo mẹ xệ xuống rõ rệt, mèo đi lại chậm chạp thận trọng, bầu vú căng to và bắt đầu có sữa đặc sánh chảy ra, bộ phận sinh dục bên ngoài sưng to và nhão. Lúc này bạn nên bắt tay vào làm ổ đẻ cho mèo. Ổ đẻ của mèo có thể làm bằng các hộp các tông, chậu nhựa, lót vải mềm bên trong, đặt ở nơi sạch sẽ, kín đáo và ít người qua lại. Mèo mẹ sẽ tự đẻ, liếm và cắn rốn con theo bản năng nên bạn chỉ can thiệp khi cần thiết, hạn chế mọi tiếp xúc với mèo đẻ hoặc mèo con vì nếu bị kích thích, mèo mẹ sẽ tha con đi nơi khác, không cho bú hoặc cắn chết mèo con.


Sau khi mèo mẹ đẻ, cần chăm sóc kĩ để mèo có đủ sữa và dinh dưỡng cho con bú

Sau khi mèo mẹ sinh xong, bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho chúng để đảm bảo mèo mẹ có đủ sữa cho con, nhất là khi số lượng mèo con nhiều, mèo mẹ sẽ bị thiếu sữa và gầy ốm nếu thiếu dinh dưỡng. Giai đoạn này mèo mẹ có thể ăn nhiều hơn thông thường, đồng thời ít vận động hơn nhưng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại và bạn hoàn toàn không cần phải lo lắng về điều này.

Cách chăm sóc mèo con

Ngoài mèo mẹ thì mèo con cũng cần được chăm sóc. Tuy nhiên, trong điều kiện mèo mẹ đủ sữa và đủ khỏe thì bạn không cần quan tâm quá nhiều đến việc này, chỉ cần đảm bảo ổ mèo luôn sạch sẽ và đủ ấm cho mèo con là được. Mèo con mới đẻ chưa mở mắt nhưng hoàn toàn có thể tự tìm vú mẹ để bú, và mèo mẹ sẽ tự vệ sinh cho con trong suốt thời gian cho con bú nên bạn chỉ cần vệ sinh cho mèo mẹ là được, tuyệt đối không chạm vào mèo con.


Chăm sóc mèo con tùy thuộc vào thể trạng của chúng

Nếu mèo mẹ thiếu sữa hoặc đang mèo quá nhiều nên một chú mèo bị còi cọc, thiếu dinh dưỡng hơn các “anh em” của mình thì bạn có thể tách riêng nó ra khỏi mẹ và có chế độ chăm sóc đặc biệt (nhớ là tách hẳn chúng ra khỏi mẹ nếu không muốn mèo mẹ tha hay cắn con). Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho mèo con còn phụ thuộc vào số ngày tuổi mà bạn tách chúng ra khỏi mẹ. Thông thường mèo sau 45 ngày tuổi đã có thể tách đàn, tập ăn các thức ăn mềm và uống sữa để phát triển. Nếu mèo nhỏ hơn, bạn nên tham khảo chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn với chúng, thường là cách cho bú sữa, cách ủ ấm và cách tập ăn riêng biệt.

Để nuôi mèo không phải là việc dễ. Chính vì vậy bạn cần tham khảo nhiều thông tin và kinh nghiệm trước khi nhận nuôi một chú mèo. Hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn và chúc bạn nuôi được một chú mèo khỏe mạnh nhé!


Nguồn tin tức thú cưng : https://chodocu.com/meo/8-dieu-quan-trong-ban-can-luu-y-de-nuoi-meo-dung-cach-ar859.htm
 
Top