• Ban Quản Trị cộng đồng Yeuthucung.com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể các bạn & gia đình, cùng nhau đón một năm thành công, thịnh vượng, hạnh phúc.

Một số bệnh thường gặp ở Heo Nái

Canavaro

Active Member
Bệnh sót nhau:

- Nguyên nhân: Heo nái bị viêm niêm mạc tử cung nên sau khi đẻ nhau không ra hết; can thiệp vội vàng, thô bạo, không đúng kỹ thuật nên nhau bị đứt và sót lại; heo nái quá già, đẻ nhiều đuối sức, tử cung co bóp kém không đẩy được nhau ra…

- Biện pháp khắc phục: Chăm sóc, nuôi dưỡng heo nái đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chuồng trại, vận động, thức ăn và dinh dưỡng, can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật… Tiêm thuốc Oxytoxin dưới da để kích thích co bóp tử cung đẩy nhau ra hết. Sau khi nhau ra, dùng thuốc tím nồng độ 1 phần nghìn hoặc nước muối 9 phần nghìn để rửa tử cung trong ba ngày liên tục.

Sốt:

- Nguyên nhân: Heo nái sốt sữa do nhau ra không hết, nhau ở trong tử cung sẽ tiết ra hoocmon follienlia, làm ức chế sự phát sinh của hoocmon prolactine nên tuyến vú không phát triển được gây sốt sữa; hoặc do tử cung và vú bị nhiễm trùng; hoặc do thức ăn mất cân đối thành phần và giá trị dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố.

- Biện pháp khắc phục: Nếu sốt sữa do nhau thì dùng dung dịch Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20ml/con hoặc tiêm tĩnh mạch dung dịch Oxytoxin với liều 10 – 20 UI/con hoặc có thể dùng dung dịch Ergotin tiêm bắp với liều 0,3 – 0,5mg/con. Nếu sốt sữa do thiếu canxi thì dùng dung dịch Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20 – 40ml/con. Nếu sốt sữa do thiếu vitamin C thì có thể tiêm 200ml nước cất cộng với 5ml vitaminC/con/ngày. Khi thấy heo trở lại trạng thái bình thường nhưng vẫn ít sữa thì có thể tiêm dung dịch Thyrosin ngày một lần, với liều 1ml/con/ngày.

Bệnh viêm vú:

- Nguyên nhân: Heo mẹ bị tổn thương bộ phận sinh dục như âm hộ, âm đạo, tử cung, vú và bầu vú… tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể gây viêm nhiễm tại chỗ và vào máu gây nhiễm trùng huyết và viêm vú. Heo mẹ tiết nhiều sữa (do ăn quá nhiều chất đạm) nhưng heo con không bú hết làm cho sữa bị ứ đọng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển; heo mẹ đẻ ít con nên có nhiều vú bị thừa hoặc do heo mẹ chỉ cho con bú có một bên… những vú không được heo con bú sẽ bị căng sữa dẫn đến viêm vú; chuồng quá bẩn, việc sát trùng không cẩn thận nên vi trùng dễ xâm nhập vào làm viêm vú…

- Biện pháp khắc phục: Tắm rửa sạch sẽ cho heo nái và vệ sinh sát trùng chuồng trại trước khi heo đẻ để tiêu diệt vi trùng tồn đọng; sau khi heo đẻ thì dùng nước ấm rửa sạch hai hàng vú và hai chân sau của heo mẹ; kiểm tra răng và bấm răng nanh heo con; kiểm tra và thu nhặt hết số nhau thai, không để cho heo mẹ ăn vì sẽ sinh ra chứng sốt sữa; bố trí cho các heo con bú sớm, bú đều; trước khi đẻ một ngày và sau khi đẻ vài ngày nên giảm bớt khẩu phần ăn và lượng đạm trong thức ăn của heo nái…

Dùng nước đá rửa và chườm ở đầu vú viêm để giảm sưng, nóng, đỏ, đau sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ngày để vú mềm dần; vắt vú bị viêm 4 – 5 lần/ngày cho hết sữa để hạn chế việc lây lan từ vú viêm sang vú lành; dùng Sunfat Magiê cho heo uống với liều 20 – 30g/con/ngày. Sau 2 – 3 ngày là heo có thể cho sữa bình thường, nếu không có hiệu quả thì phải dùng một số loại thuốc đặc trị như: Tiêm xung quanh vú ngày 2 lần: Penicilin với liều 10.000 UI/kg thể trọng; Streptomycin với liều 10mg/kg thể trọng; bơm Teramycin vào vú viêm qua lỗ tiết sữa. Trước khi bơm nên vắt cạn sữa trong vú viêm; dùng mỡ Penicilin, mỡ Tetramycin bôi ở vú viêm cho đến khi khỏi.

Bệnh bại liệt:

- Nguyên nhân: Thường xuất hiện ở những heo nái đã qua nhiều lần sinh sản và đẻ nhiều con. Bệnh xuất hiện do thiếu khoáng, nhất là canxi và phốt pho. Thiếu canxi và phốt pho nên heo mẹ phải huy động các chất dự trữ từ xương để tạo sữa, làm cho heo mẹ yếu dần, hay nằm, đi đứng khó khăn, khập khễnh, hai chân sau yếu ớt… và dẫn đến bại liệt.

- Biện pháp khắc phục: Trong thời gian có chửa nên cho heo ăn, thức ăn có nhiều canxi, phốt pho; thường xuyên cho heo vận động và tắm nắng, đặc biệt là một tháng trước khi heo đẻ; cung cấp vitamin D cho heo bằng cách pha trộn vào thức ăn hoặc cho uống với liều lượng 2ml/con/ngày.

Dùng Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 40 – 50ml/con; dùng 5cc vitamin B1 pha với một ống vitamin B12 (loại 100gr) tiêm cho heo…(Theo viện chăn nuôi)
 
Top